Tên thường gọi: Hổ Mã Lai
Tên khoa học: Panthera tigris jacksoni
Lớp:Động vật có vú
Chế độ ăn: Động vật ăn thịt
Trạng thái bảo tồn:Nguy cấp

Giới thiệu về hổ Mã Lai

Hổ Mã Lai là một quần thể hổ sống ở miền Trung và Nam của bán đảo Mã Lai. Chúng được phân vào loài đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp thuộc Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vào năm 2015. Số lượng hổ Mã Lai trưởng thành theo ước tính là khoảng từ 250 đến 340 cá thể vào năm 2013, nhiều khả năng cho rằng con số hiện vẫn đang có dấu hiệu suy giảm. Ở tiếng Malay, loài này được gọi là “Harimau“, viết tắt là “Rimau

Ban đầu, vào năm 1968, hổ Mã Lai được chỉ định là thuộc cùng phân loài với hổ Đông Dương. Tới năm 2004, qua một phân tích di truyền cho thấy sự khác biệt về chuỗi DNA ty thể và các đoạn ADN giữa hai loài này vì vậy Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã quyết định tách hổ Mã Lai và hổ Đông Dương ra làm hai phân loài khác nhau vào năm 2017.

Đặc điểm

Hổ Mã Lai và hổ Đông Dương không có nhiều sự khác biệt rõ ràng, thậm chí, người ta còn không phân biệt được hộp sọ của hai loài này khi được đem ra so sánh với nhau.
Chiều dài cơ thể của hổ Mã Lai có vẻ nhỏ hơn loài hổ Ấn Độ. Sau khi đo đạc kích thước của 11 cá thể hổ Mã Lai đực và 8 con cái, người ta rút ra kết luận là hổ đực có chiều dài trung bình khoảng 2,6 mét trong khi hổ cái là 2,39 mét. Chiều cao của loài này dao động từ 58 đến 104 cm cùng cân nặng từ 24 đến 88 kg.

Môi trường sống

Sự phân chia địa lý giữa loài hổ Mã Lai và Đông Dương không rõ ràng vì quần thể hổ ở miền bắc Malaysia tiếp giáp liền với những cá thể ở miền nam Thái Lan. Ở Singapore, hổ đã tuyệt chủng vào những năm 1950 với cá thể cuối cùng bị bắn vào năm 1932.
Giữa năm 1991 và 2003, các dấu hiệu về sự tồn tại của hổ được báo cáo là xuất hiện ở các cánh đồng thực vật, những khu vực công nghiệp bên ngoài rừng ở Kelantan, Terengganu, Pahang và Johor và nhiều môi trường khác tại Pahang, Perak, Kelantan, Terengganu, Johor. Hầu hết các con sông lớn chảy vào biển Đông đều có một số bằng chứng về hổ, trong khi những con sông chảy vào eo biển Malacca ở phía Tây thì không.

Tổng diện tích sống của hổ là 66.211 km2.

Vào tháng 9 năm 2014, hai tổ chức bảo tồn đã thông báo kết quả từ một cuộc khảo sát ở bảy địa điểm sống của hổ Mã Lai từ năm 2010 đến 2013 đã đưa ra ước tính số lượng loài này là khoảng từ 250 đến 340 cá thể khỏe mạnh. Với con số ít như vậy nên hổ Mã Lai hiện nay đã được đưa vào tình trạng “cực kỳ nguy cấp” trong danh sách của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)

Tập tính

Con mồi ưa thích của hổ Mã Lai chủ yếu là hươu Sambar, hoẵng, heo rừng, lợn râu Borneo và sơn dương Sumatra. Ngoài ra, thức ăn của chúng bao gồm cả gấu chó, voi con và tê giác con. Thỉnh thoảng, loài này còn săn gia súc, gia cầm nữa. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những nơi mà kẻ săn mồi lớn như hổ và báo tuyệt chủng có số lượng lợn rừng phát triển lớn mạnh gấp 10 lần so với những nơi hổ, báo còn hiện diện.
Loài hổ xuất hiện với mật độ rất thấp, chỉ khoảng 1,1 -1,98 cá thể trong 100 km² ở rừng nhiệt đới.

Các mối đe dọa đối với hổ Mã Lai

Ngày nay, do các dự án phát triển đô thị và nông nghiệp nên nơi sống của hổ Mã Lai đang dần bị phá hủy. Nạn săn bắt trái phép trong các bang thuộc Malaysia xảy ra nhiều đến nỗi những năm gần đây, ở quốc gia này còn có một thị trường nội địa chuyên buôn bán thịt và sản xuất thuốc chiết xuất từ xương hổ.

Bảo tồn

Hổ Mã Lai đã được nghiêm cấm buôn bán ra nước ngoài dưới mọi loại hình thức trong phần Phụ lục I thuộc Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Bên cạnh đó, người ta cũng không được phép buôn bán hổ trong thị trường nội địa.

Trong năm 2007, Liên minh bảo tồn thiên nhiên Malaysia (MYCAT) đã thực hiện một đường dây nóng để người dân có thể báo cáo về những hành vi tội phạm liên quan đến hổ ví dụ như săn trộm… Để ngăn chặn tình trạng săn bắt hổ, họ cũng thành lập tổ tuần tra “Cat Walk” với nhiệm vụ săn lùng mọi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, MYCAT cũng là đơn vị chịu trách nghiệm nhân giống hổ Mã Lai
• Trong tình trạng nuôi nhốt
Tính đến năm 2011 đã có 54 cá thể Hổ Mã Lai sống trong các vườn thú ở Bắc Mỹ. Vườn thú Cincinnati là vườn thú đầu tiên ở Bắc Mỹ nhận nuôi hổ Malaysia bằng việc nhập khẩu từ châu Á 3 cá thể hổ đực và 3 cá thể cái trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 1992. Sở thú Taiping ở Malaysia và Night Safari ở Singapore cũng là nơi bạn có thể nhìn thấy loài này.

Những tranh cãi xung quanh việc đặt tên

Khi quần thể hổ đến từ bán đảo Mã Lai này được chấp nhận như một phân loài riêng biệt vào năm 2004, chủ tịch của Malaysian Association of Zoos, Parks and Aquaria (MAZPA) đã cho rằng, phân loài hổ này nên được đặt với pháp danh khoa học là “Panthera tigris malayensis” để thể hiện vị trí địa lý nơi chúng sống. Nhưng cuối cùng, người ta quyết định tên Tiếng Anh của loài này là “Malayan tiger” (Hổ Mã Mai) cùng tên khoa học: “Panthera tigris jacksoni” như một cách để bày tỏ sự biết ơn với nhà bảo tồn hổ Peter Jackson

Hổ Mã Lai trong văn hóa của người Malaysia

Hổ Mã Lai là loài động vật tượng trưng cho quốc gia Malaysia.
Trên phù hiệu áo giáp của Malaysia, Singapore, hai con hổ đã được vẽ nên và đóng vai trò như người hộ mệnh luôn sánh đôi giúp các đất nước này vượt qua mọi sóng gió. Hình ảnh của chúng cũng xuất hiện trên logo biểu tượng của cảnh sát hoàng gia Malaysia, ngân hàng Maybank, hãng ô tô Proton và cả liên đoàn bóng đá Malaysia nữa.
Hổ Mã Lai tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh của con người nơi đây. Thậm chí, người ta còn đặt biệt danh cho chúng là “Pak Belang” (nghĩa đen là “Quý ngài Lông Vằn”). Trong văn hóa dân gian, Pak Belang là kẻ thù truyền kiếp của “Sang Kancil” (Cheo cheo – một loài động vật thuộc bộ guốc chẵn).

Leave a comment