“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những loài cá sấu đã tuyệt chủng có một thói quen ăn uống vô cùng đa dạng” – tác giả chính của nghiên cứu, nhà địa chất học của Đại học Utah là Keegan Melstrom nói.
“Một số tương tự như loài cá sấu đang sống ngày nay, chủ yếu ăn thịt, số khác ăn tạp, và vẫn có những loài chuyên ăn thực vật”.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu 146 mẩu răng hóa thạch thừ 16 chủng loài khác nhau. Khi đối chiếu với những loài bò sát còn sống, họ phát hiện ra rằng hình dạng răng có thể cho thấy cá sấu cổ đại thích ăn thịt hay rau củ hơn.
Răng loài ăn thịt thường có một điểm sắc, nhọn, ít chi tiết phức tạp. Còn các loài ăn thực vật thường có răng nhiều chi tiết, xếp thành cụm, với các đường rãnh và các phần lồi lõm để nghiền nát thức ăn trước khi nuốt.
“Những loài ăn tạp, tức những sinh vật ăn cả thực vật lẫn động vật, nằm đâu đó ở giữa hai nhóm kia. Nghiên cứu trước đây của tôi cho thấy mô hình này vẫn còn tồn tại trên các loài bò sát sống có răng, như cá sấu và thằn lằn” – Melstron giải thích.
“Vậy nên, những kết quả đó cho chúng ta biết rằng mô hình cơ bản giữa chế độ ăn và răng hiện diện trên cả những loài động vật có vú lẫn bò sát, dù cho hình dạng răng rất khác nhau, và áp dụng với cả những loài bò sát đã tuyệt chủng”
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những loài cá sấu ăn thực vật đầu tiên sinh sôi nảy nở ở thời kỳ khởi điểm của Kỷ Jura, và từ Kỷ Jura đến Kỷ Phấn Trắng, chúng đã tiến hóa ít nhất 3 lần.
“Kết quả cho thấy loài ăn cỏ tiến hóa một cách độc lập ít nhất 3 lần, có khả năng đến 6 lần” – các nhà nghiên cứu giải thích.
“Nghiên cứu này chỉ ra rằng những loài cá sấu ăn cỏ phổ biến hơn nhiều so với chúng ta nghĩ và hiện diện xuyên suốt Đại Trung Sinh và trên hầu hết các lục địa”.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy 8 loài ăn cỏ – với răng phẳng và lồi lõm – và ít nhất 1 loài ăn tạp trong số 16 loài cổ đại.
Các nhà nghiên cứu khác tỏ ra rất hào hứng với hướng tiếp cận của nhóm nghiên cứu lần này.
“Phương pháp này có thể được nhân rộng đối với các hóa thạch mới được phát hiện, cho phép chúng tôi thử nhiều ý tưởng khác nhau nhằm giải thích tại sao các loài cá sấu ăn cỏ lại liên tục tiến hóa” – nhà cổ sinh vật học Patrick O’Connor của Đại học Ohio nói.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành công việc – họ hiện đang dựng lại thói quen ăn uống của những loài cá sấu này và hi vọng có thể biết được tại sao những sinh vật đó lại phát triển đa dạng đến thế trong thời đại của những con khủng long, còn về sau thì không.
“Những loài ăn cỏ sống ở những lục địa khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, một số sống cạnh những loài có vú và họ hàng của các loài có vú, số khác thì không. Điều này cho thấy loài cá sấu ăn cỏ phát triển thành công trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau” – Melstrom nói thêm.