Tên thường gọi: Vượn tay trắng
Tên khoa học: Hylobates lar
Chế độ ăn: Động vật ăn tạp
Cân nặng: khoảng từ 5.4 đến 5.9 kg
Kích thước: dài khoảng 46 cm
Giới thiệu về vượn tay trắng
Vượn tay trắng là một loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng thuộc Họ Vượn, có tên khoa học là “Hylobatidae lar“. Chúng là một trong những loài vượn được biết đến nhiều nhất và thường được nhìn thấy trong sở thú.
Đặc điểm của vượn tay trắng
Vượn tay trắng có kích thước nhỏ, bộ lông mềm và dày. Chúng thích sống trong những tán cây ở trên cao. Vì có cánh tay dài nên loài này có thể dễ dàng leo trèo giữa các cành cây. Ngoài ra, vượn tay trắng còn có thể chuyển hướng ngay lập tức chỉ trong một giây khi đang di chuyển. Nhờ đôi tay dài nên khi quá trình chuyền cành chúng cũng có thể dễ dàng bắt được những chú chim đang bay và ăn thịt sau khi tiếp đất. Trong thế giới động vật, vượn tay trắng được coi là một trong những loài linh trưởng nhanh nhạy nhất.
Khi mới sinh ra, nhiều cá thể vượn con có màu trắng muốt như những bông tuyết trắng, mãi đến khi được từ 2 tới 4 tuổi, lông của loài này mới chuyển dần sang màu trắng đục hoặc nâu.
Hành vi của vượn tay trắng
Vượn tay trắng là động vật ăn tạp. Tuy có khẩu phần ăn chiếm 50% là trái cây nhưng lá cây cũng là một món ăn ưa thích của chúng. Ngoài ra, vượn còn ăn cả côn trùng và hoa. Vào những tháng mùa hè khi lá cây trở nên ít đi thì lượng tiêu thụ côn trùng của chúng tăng gấp 2 lần so với mùa đông.
Vì có tốc độ leo trèo rất nhanh nên vượn tay trắng thậm chí không cần bám vào cành cây trước khi di chuyển, chúng có thể “bay” lên không trung với độ cao những 12 mét và nhảy đi rất xa. Ngạc nhiên hơn nữa, loài này còn có thể băng qua sông và leo từ cây này qua cây khác nhờ kĩ thuật nhào lộn của mình. Tuy nhiên, nếu bám vào cành cây bị gãy, chúng vẫn có thể ngã và gãy xương
Loài vượn này ngủ trên cây, khi say giấc, chúng sẽ cuộn tròn người lại sau đó vùi đầu vào giữa hai đầu gối và ngực. Vượn tay trắng di chuyển trên cây và dưới mặt đất bằng cách giơ hai tay của mình sang ngang để thăng bằng và đi lại bằng đôi chân của mình
Tập tính sống và hành vi sinh sản
Tương tự như những cá thể cùng họ, việc giao phối của vượn tay trắng xảy ra vào mỗi tháng trong năm, nhưng thường vào mùa khô (tháng 3) và mùa mưa (tháng 10). Khi sống hoang dã thì trung bình, vượn mẹ sinh sản lần đầu tiên vào năm 11 tuổi. Chúng mang thai trong vòng 6 tháng và chỉ đẻ 1 con non mỗi lứa. Trong vòng 2 năm đầu kể từ khi sinh ra, con non sẽ được mẹ chăm bẵm và sau đó, chúng mất 8 năm để trở thành một chú vượn trưởng thành. Tuổi thọ của mỗi cá thể vượn tay trắng trong tự nhiên là khoảng 25 năm.
Vượn tay trắng sống như một gia đình nhỏ gồm có vượn bố, vượn mẹ và đàn con non. Con đực và bạn đời của chúng thường hát song ca với nhau. Những bản song tấu này giúp vượn gia tăng sự gắn bó và cũng là một cách để loài này đánh dấu lãnh thổ của mình.
Nơi sống
Vượn tay trắng có phạm vi sống khá rộng – trải dài từ Bắc tới Nam. Chúng được tìm thấy ở Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan. Trong quá khứ, dấu tích của loài này còn xuất hiện từ vùng Tây Nam Trung Quốc, Thái Lan, miền Nam Myanmar cho tới các khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ở bán đảo Malay.
Bảo tồn
Ngày nay, số lượng loài của vượn tay trắng đang bị đe dọa theo nhiều hình thức khác nhau ví dụ như: săn bắn để lấy thịt, thậm chí, người ta còn giết vượn bố và vượn mẹ để bắt những con non về làm thú nuôi (đặc biệt ở Thái Lan). Bên cạnh đó, việc phá rừng để xây dựng đường giao thông, phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái, khai thác gỗ và trồng cây cọ cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự suy giảm của loài này.