- Có tới khoảng 100 loài cá thuộc họ cá vẹt sinh sống trong môi trường nước mặn, chủ yếu là vùng biển nhiệt đới (ở Việt Nam thì có khoảng 40 loài
- Họ cá vẹt còn được gọi là họ cá mó.
- Sở dĩ có cái tên “cá vẹt” là vì cái miệng giống vẹt của chúng.
- Cá vẹt ăn tảo, san hô chết và thỉnh thoảng ăn cả san hô sống. Đôi khi chúng cũng ăn các sinh vật nhỏ khác gồm động vật không xương sống, vi khuẩn và mảnh vụn.
- Bằng cách ăn tảo, chúng đã ngăn chặn được tình trạng tảo nở hoa gây nguy cơ tẩy trắng san hô và dẫn đến việc san hô bị chết.
- Cá vẹt thường dành tới 90% thời gian trong ngày để tìm kiếm thức ăn.
- Khi ngủ chúng tạo “kén nhờn” quanh mình tựa như mùng chống mũi để ngăn các loài động vật ký sinh tấn công. Và khi có kẻ thù chọc vỡ lớp kén này, chúng sẽ thức giấc và bắt đầu chạy trốn khỏi đó ngay lập tức.
- Cá vẹt còn là loài lưỡng tính. Chúng thay đổi giới tính vài lần trong đời của mình. Ban đầu chúng là con cái, nhưng sau đó có thể chuyển thành con đực.
Tại sao cá vẹt cần phải được bảo vệ?
Đơn giản mà nói, chúng ta có thể xem cá vẹt như một cổ máy sản xuất cát mịn cho đại dương. Chúng ăn rất nhiều san hô (cả sống lẫn chết), sau đó thứ mà chúng thải ra ở lỗ hậu môn là cát, cát… và toàn cát. Nhiều tài liệu cho biết thêm, cát trắng ở Hawaii được tạo ra chủ yếu từ phân cá vẹt. Một con cá vẹt lớn sẽ có thể tạo ra 320kg cát mỗi năm.
Đọc thêm: Cá Vẹt – Cỗ Máy Làm Cát Thú Vị
Và cũng như anh Lê Chiến, nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA phát biểu: “Cá mó vẹt giống như một tổ mối, hạ đổ một cây cổ thụ trong rừng để hàng triệu sự sống khác vươn lên tới ánh sáng. Cá mó ăn san hô sống để những cành san hô khác ở phía dưới có cơ hội vươn lên hoặc tạo khoảng trống cho các sự sống khác. Đôi khi chúng đóng vai trò quản lý độ cao của rạn san hô bằng cách bẻ gãy và ăn các cành san hô mọc quá cao, điều này vô tình khiến rạn có xu hướng phát triển theo diện rộng thay bằng độ cao, và đương nhiên là điều này rất tuyệt vời”.
Thêm nữa, cá vẹt thường đi theo đàn nên khi bị ngư dân quây lưới là bị hốt luôn cả bầy. Chúng cũng ít khi sống được trong môi trường nuôi nhốt bởi chế độ ăn đặc thù mà đa số các bể cá hiện tại không thể đáp ứng được.
Tóm lại, vai trò của cá vẹt với hệ sinh thái biển là rất cần thiết trong việc duy trì và phát triển các rạn san hô của tự nhiên. Nếu không có chúng, các rạn san hô sẽ có nguy cơ bị tuyệt chủng và không còn tồn tại.
Nguồn: Pi