Rùa Galápagos là loài Bò sát thuộc Phân bộ Rùa cổ rụt, Họ Rùa cạn, chúng được biết tới là một trong những loài bò sát có trọng lượng lớn nhất còn tồn tại. Hiện nay. Rùa Galápagos chỉ còn tồn tại ở hai quần đảo Galápagos cách Ecuador 1000km về phía Tây và đảo Aldabra (Ấn Độ Dương) cách Tanzania 700 km về phía đông.
Rùa Galápagos có mai lớn màu nâu hoặc xám, chúng kết hợp với các xương sườn không những tạo nên một lớp vỏ vững trãi bảo vệ cho cơ thể mà còn liên kết chặt chẽ với bộ xương. Đây cũng là “mái nhà” của Rùa Galápagos sống trong suốt cuộc đời. Ngoài ra chúng cũng có khả năng rụt đầu, các chi vào trong vỏ giống các loài rùa khác, tứ chi tương đối lớn, da khô, đóng vảy cứng.
Tên thường gọi: Rùa Galápagos
Tên khoa học: Chelonoidis nigra
Loài: Động vật bò sát
Chế độ ăn: Động vật ăn cỏ
Tuổi thọ: 100 năm trở lên
Kích thước: khoảng 1,2 mét
Trọng lượng trung bình: trung bình 210 kg
Tình trạng trong Sách Đỏ: Sắp nguy cấp (Vulnerable)
Hành vi của Rùa Galápagos
Rùa Galápagos là loài động vật máu lạnh, vì vậy chúng thường dành 1-2 giờ sau khi bình minh để hấp thụ ánh sáng mặt trời, giữ ấp cho cơ thể bên trong lớp vỏ. Trong môi trường nuôi nhốt, Rùa Galápagos thường chỉ đi lại và nằm nghỉ, tuy nhiên trong điều kiện tự nhiên, chúng sẽ di cư liên tục từ nơi có khí hậu lạnh tới nơi có thời tiết ấm áp. Vào mùa khô Rùa Galápagos thường ở khu vực đồi núi cao (có thể lên tới 600 mét), mùa mưa chúng lại quay về khu vực đồng cỏ. Các cá thể Rùa rất thích nằm trong bùn hoặc tắm ở “hồ điều hòa”. Chúng muốn thoát nhiệt và quan trọng hơn là bảo vệ cơ thể khỏi những kí sinh trùng, muỗi, ve và các loài hút máu khác.
Tìm hiểu thêm: Rùa Cá Sấu và 10+ thông tin cơ bản cần biết
Chế độ ăn và mối quan hệ cộng sinh của Rùa Galápagos
Rùa Galápagos là động vật ăn cỏ, thức ăn ưa thích của chúng là quả xương rồng, cỏ dại, lá, dưa, cam… Ngoài ra một số thức ăn khá dị của loài rùa đặc biệt này có thể kể đến như Táo độc (Hippomane mancinella), ổi (Psidium galapageium), dương xỉ nước và cây Họ Dứa. Một cá thể Rùa có thể nạp số lượng thức ăn bằng 16% trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Chúng cũng hấp thụ nước từ sương, sáp trong thực vật. vì vậy có thể sống hơn 6 tháng mà không có nước. ngoài ra chúng hoàn toàn có thể tồn tại 1 năm liền mà không hề ăn uống gì. Điều này có thể xảy ra là do cơ thể sử dụng lớp mỡ để sản xuất ra nước, chuyển hóa thành năng lượng.
Rùa Galápagos có mối quan hệ mật thiết với chim Sẻ Darwin và chim Nhại, chúng thường báo hiệu cho các loài chim này biết bằng cách nâng cao cổ, mở rộng chân ra, đồng thời mở miệng. Những loài chim này sẽ tiến tới và mổ vào vùng cổ, mai, chân Rùa Galápagos để làm sạch các loài sống kí sinh trên cơ thể. Một thông tin bất ngờ là, khi nâng mai lên, một số cá thể chim sẽ luồn xuống dưới mai, ngay lập tức, Rùa sẽ hạ mình xuống và giết chim. Lúc này Rùa Galápagos sẽ ăn thịt chim để bổ sung lượng Protein cho cơ thể.
Sinh sản của Rùa Galápagos
Cá thể Rùa được coi là trưởng thành về mặt sinh sản khi đạt 20-25 tuổi trong điều kiện nuôi nhốt và 40 tuổi trong tự nhiên. Việc giao phối của Rùa Galápagos xảy ra ở bất kì thời điểm nào trong năm, những cá thể rùa đực sẽ tập trung lại và “biểu diễn” bằng cách nâng cao cổ hết mức có thể, thi thoảng chúng sẽ chiến đấu với nhau. Tuy vậy, sau tất cả, cá thể rùa cổ ngắn hơn sẽ thua cuộc và nhường quyền giao phối cho con đực còn lại. Quá trình giao phối, con đực sẽ “rên rỉ”. Sau đó, con cái sẽ di chuyển tới khu vực cát khô, dùng chân sau đào một lỗ hình trụ dài khoảng 30 cm và đẻ vào đó khoảng 16 quả trứng. Con non mới sinh chỉ nặng khoảng 50gram và chui ra từ trứng sau 4-8 tháng ấp.
Đừng bỏ qua: Một vài hiểu biết thú vị về loài Rùa
Một số thông tin thú vị về Rùa Galápagos có thể bạn chưa biết:
– Cá thể rùa lớn nhất từng được ghi nhận nặng 417 kg và chiều dài của mai là 1,8m (tương đương với chiều cao của một người trưởng thành)
– Rùa Galápagos còn là một trong những loài động vật có xương sống “thọ” nhất thế giới, cá thể từng được nuôi dưỡng tại Vườn thú Australia trên 170 tuổi đã mất năm 2006.
– Tốc độ của Rùa Galápagos được ghi nhận là 0,3 km/h