Với giá $10, khách du lịch có thể tạo dáng và chụp ảnh cùng chú hổ này tại vườn thú Phuket, Thái Lan. Một ví dụ tiêu biểu về hoạt động du lịch có sử dụng động vật cho mục đích thương mại. Con hổ này bị khoá chặt bởi một sợi xích ngắn khiến chúng không thể đứng dậy. Những người bảo vệ có nhiệm vụ ngăn cản con hổ hoặc bắn thuốc mê (nếu cần) để bảo vệ du khách.”

Đây là lời kể đầy chua xót của một du khách nước ngoài có tên Natasha Daly, cô ấy cũng sẽ là nhân vật kể cho chúng ta câu chuyện về trải nghiệm du lịch kết hợp với động vật hoang dã ngay dưới đây. Thegioidongvat.Co xin mời các bạn theo dõi.

Ngay khi trời chỉ tờ mờ sáng, tôi đang ngồi trong một chiếc ô tô. Đường đi trở nên lầy lội sau mưa khiến việc di chuyển khá khó khăn. Chúng tôi dần băng qua những hàng voi đứng bên đường, chúng đang bị xích lại với nhau trong khi phần trên cơ thể vẫn lắc lư như thưởng thức bầu không khí mát mẻ, thoáng đãng sau cơn mưa bất chợt. Cuối cùng, sau hơn năm giờ, tôi đã tới được chặng nghỉ. Lúc này mặt trời đã lên cao, phả những tia nắng, sự chói chang cùng hơi nóng vào khách du lịch và chú voi tội nghiệp bên dưới.

Tới nơi rồi, giờ chúng tôi sẽ xuống đi bộ. Di chuyển trên một quãng đường dài khiến việc bước đi thôi cũng trở thành gánh nặng. Trời tối rất nhanh khiến du khách buộc phải bật đèn pin điện thoại lên để soi sáng và bước theo hướng dẫn viên. Bước được vài bước thì hàng rào bằng gỗ của một cửa hàng gần đó ngăn tôi lại. Chúng tôi tiếp tục men theo đó, vượt qua vũng nước mưa vẫn đọng lại ban sáng để tới địa điểm cuối cùng. Bất giác nhìn lên, tôi sững sờ khi thấy hai cặp chân màu xám đang lơ lửng phía trên sàn bê tông. Chúng bị buộc chặn bởi một sợi dây xích và cố định bằng vòng gai kim loại. Con voi mệt mỏi hạ dần chân xuống, ấn tượng cuối cùng trước khi sợ hãi quay mặt đi đó là gai nhọn đang ấn sâu vào phía bên trong mắt cá chân của con voi tội nghiệp.

Gặng hỏi, tôi biết được tên con voi này là Meena, voi cái, hiện tại được 4 tuổi 2 tháng, mặc dù vậy vẫn chập chững như những chú voi con mới sinh. Khammon Kongkhaw, một người đàn ông bản địa đang “chăm sóc” Meena cho biết. Meena khá nghịch ngợm, thường hay đá chân về phía trước nên bắt buộc phải cố định chúng bằng dây thép gai. Anh ta cho biết, bình thường Meena sẽ bị khoá bằng dây thép gai trong cả ngày và chỉ được thả ra vào ban đêm. Kongkhaw đã nuôi Meena từ khi 11 tháng tuổi tại điểm trải nghiệm cưỡi voi có tên Maetaman, gần Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan.


Ảnh 1: Hình ảnh khách du lịch chụp với động vật hoang dã có rất nhiều trên các nền tảng truyền thông như Instagram. Một cú chạm thôi, khách du lịch có thể đăng hình của họ cùng các loài động vật cho cả thế giới chiêm ngưỡng. Nhưng thường thì khách du lịch và người quen của họ đều không biết cuộc sống của các loài đó thực sự ra sao..

Nói thêm về Maetaman, đây là một trong nhiều điểm thu hút du khách tới tham quan và khám phá động vật hoang dã xung quanh thành phố Chiang Mai. Tới đây, mọi người thường phải đặt tour trước. Sau khi ào ra khỏi xe buýt, du khách sẽ được cưỡi lên người những chú voi và di chuyển tới một số địa điểm gần đó. Để thu hút du khách, địa phương đã mở thêm những dịch vụ như cho voi ăn, chụp ảnh với voi, xem voi biểu diễn, voi đá bóng…

Meena, nhân vật phía trên cũng là một trong 10 chú voi biểu diễn của vùng Maetaman. Nói đúng hơn thì bé ta sẽ làm hoạ sĩ, cứ 2 lần/ngày, trước sự chứng kiến của du khách, Kongkhaw sẽ đặt một cây cọ vẽ lên đầu vòi và hướng dẫn Meena kéo những nét bút cơ bản trên giấy. Thông thường, người quản tượng sẽ hướng dẫn voi con vẽ đi vẽ lại hình ảnh những con voi đang di chuyển trên thảo nguyên. Bức tranh này sau đó sẽ được bán lại cho khách du lịch.

Cuộc đời của Meena ngay từ khi sinh ra đã được lập trình sẵn theo một quỹ đạo giống như khoảng 3,800 con voi khác đang bị quản thúc tại Thái Lan và hàng ngàn con khác trên khắp Đông Nam Á. Meena sẽ đi biểu diễn tại các show này cho tới năm lên 10 tuổi. Thời điểm ấy voi sẽ phát triển đủ lớn để chuyên chở hành lý và du khách. Khách du lịch sẽ ngồi trên một chiếc ghế trên lưng, mỗi cá thể sẽ phải thực hiện vài chuyến mỗi ngày. Tới khi Meena quá già hoặc ốm yếu (có thể ở tuổi 55-75) mới được nghỉ hưu. Còn hầu hết những chú voi sẽ phải dành cả cuộc đời mình để phục vụ du lịch.

Ảnh 2: Ba chú gấu biểu diễn đang tập luyện với huấn luyện viên Grant Ibragimov. Bên trong một buổi tập luyện tại rạp xiếc Bolshoi State St.Petersburg, Nga. Để gấu có thể luyện được khả năng di chuyển bằng hai chân, các huấn luyện viên phải giữ chúng ở tư thế đứng trong khi cổ bị xích chặt vào tường.

Ảnh 3: Glamay Hom, một chú voi 4 tuổi được huấn luyện để mua vui cho khách du lịch đang bị xích vào cột sắt tại sân vận động Trại cá sấu Samut Prakan, gần Bangkok, Thái Lan. Chân trước của chú ta bị sưng phồng lên và đang phải khập khiễng. Phía bên cạnh mắt có một vết thương hở.


Ảnh 4: Khách du lịch ở Rio Negro, Brazil đang vây quanh một chú cá heo sông Amazon, bức ảnh ghi lại hành động cá ta đang cố gắng lao tới cá con là phần thưởng của người dẫn tour. Những vấy xước trên da cá heo do sự va chạm với những cá thể khác khi phải cạnh tranh kiếm mồi.

Các điểm tham quan động vật như Maetaman thu hút một lượng lớn du khách từ khắp nơi trên thế giới, chúng tạo nên một khối ngành nhỏ trong lĩnh vực kinh tế để đóng góp chung cho du lịch Thái Lan.

Du lịch động vật hoang dã không quá mới, nhưng mạng xã hội đã và đang ra sức tuyên truyền để đưa chúng trở thành ngành có tỷ trọng lớn trong du lịch. Các hoạt động trước kia chỉ được ghi lại trong các tờ rơi, sách hướng dẫn du lịch thì giờ đây đã được chia sẻ rộng rãi bằng cách đeo balo rồi chụp ảnh tự sướng. Hầu như những du khách (23-38 tuổi) đều sử dụng mạng xã hội thường xuyên trong khi du lịch. Những bức ảnh chụp tự sướng với những chú cá heo, selfie cùng hổ, cưỡi voi là cách lan truyền và quảng cáo hữu hiệu cho những điểm tham quan trải nghiệm như thế này.

Đối với các mạng xã hội, chúng chỉ thực sự biểu thị những gì diễn ra ở trong khung hình máy ảnh. Trên màn hình điện thoại, người xem chỉ thấy sự thích thú, hạnh phúc của du khách mà gần như không biết rằng tại các điểm tham quan đó, những loài động vật đang có môi trường sống vô cùng tệ. Nhiếp ảnh gia Kirsten Luce và tôi bắt đầu tiến hành tìm hiểu về bức tranh du lịch trải nghiệm động vật đang phát triển này để xem các loài động vật đang được chăm sóc, đối xử như thế nào.

Sau khi rời Maetaman, chúng tôi di chuyển 5 phút lên một ngọn đồi có tấm bảng gỗ ghi Eco Valley (Thung lũng Eco), nơi đây không nuôi nhốt voi nữa mà là một bảo tàng ngoài trời để tìm hiểu về động vật tại đất nước Chùa Vàng Thái Lan. Tại đây, họ có những loài thảo dược cho voi, giấy được làm từ phân voi… Đứng từ đây, phóng tầm mắt ra xa chúng ta có thể thấy cánh đồng cỏ, bên cạnh là khu rừng rợp bóng cây và những chú voi đang nhởn nha. Meena cũng được đưa tới đây một lần, thế nhưng vừa được thả xích, bé ta toan chạy vào rừng thì đã bị bắt lại. Mei, một chú voi khác trông có vẻ “ngoan” hơn, người quản tượng cho biết thi thoảng Mei được đưa đến để chơi kèn cho các buổi biểu diễn cho các thượng khách. Thời gian còn lại, Mei sẽ bị xích cả ngày ở Eco Valley.

Ảnh trái: Khách du lịch tạo dáng cùng voi tại một buổi biểu diễn ở Maetaman, Chiang Mai, Thái Lan. Voi non thường sẽ pha trò còn voi lớn tuổi hơn sẽ để cho người ngồi lên vòi. Nếu như có thái độ không tốt, người bảo vệ bên cạnh sẽ cho chúng ăn những cú vụt đau điếng.

Ảnh phải: Khách du lịch thay nhau chụp cảnh với một con Cu li tại một chợ nổi gần Bangkok. Các loài linh trưởng sống về đêm này chủ yếu bị săn trộm từ cánh rừng gần đó. Sau khi bị bắt về, ngay lập tức chúng bị nhổ hết răng để tránh việc cắn khách du lịch.


Một con khỉ tại buổi biểu diễn tại Monkey School, một vườn thú ven đường gần Chiang Mai. Những con khỉ này được huấn luyện để lái xe ba bánh, chơi bóng rổ, múa dù. Sau buổi biểu diễn, chúng sẽ quay trở lại chiếc lồng kim loại dài ba mét.

Ảnh trái: Bên trong một Studio ảnh tại Trang trại và sở thú tại Samut Prakan, một nhân viên đang nuôi chú tinh tinh non. Bên cạnh đó là một con hổ già đang bị vấn đề liên quan tới răng miệng khiến chúng bốc mùi hôi thối, khó chịu. Cả 2 chỉ là một trong số nhỏ những con vật tại đây, được nuôi để du khách tới chụp ảnh, trả tiền.

Ảnh phải: Tại một vườn thú ở Sriracha Tiger, Chon Buri, Thái Lan. Những con hổ con sẽ bị tách khỏi mẹ chúng ngay từ khi mới sinh để mang ra ngoài chụp ảnh. Trong khi đó những con hổ mẹ thì được chăm sóc đặc biệt để liên tục sinh sản để cho ra đời những lứa hổ con mới.

Maetaman cũng như Eco Valley, được khai trương từ tháng 11 năm 2017 để phục vụ du khách phương Tây. Tại đây có khoảng 56 con voi được chăm sóc, huấn luyện để tham gia biểu diễn. Meena và những con voi khác trước đây khá ngỗ ngược nhưng kể từ khi sử dụng chuỗi dây thép gai, chúng đã trở nên “nền nã” hơn rất nhiều. Chúng tôi ngồi với Kalamapijit (Chủ sở hữu Maetaman và Eco Valley) ngay tại ban công phòng làm việc của cô ấy. Kalamapijit nói rằng du khách phương Tây, đặc biệt là người Mỹ hay chọn những địa điểm du lịch như Maetaman vì họ thích nhìn cảnh đàn voi tắm (Trông sẽ tự nhiên và vui vẻ hơn). Tuy nhiên những công ty du lịch của Trung Quốc đã gây áp lực và nói rằng khách hàng của họ không quan tâm tới việc đó. Hãy đưa ra những gói Tour để có được lợi nhuận kinh doanh tốt nhất.

Kirsten và tôi luôn theo dõi những động vật hoang dã bị giam giữ tại những khu du lịch. Ở Thái Lan, hổ sẽ được đưa ra để tương tác với du khách (chụp ảnh, ôm hổ…), trong khi một số người phụ nữ Trung Quốc thì mặc váy cô dâu để chụp ảnh cưỡi voi. Những con lười tại sông Amazon bị bắt lại để chụp ảnh tự sướng với những cô cậu tuổi teen. Thế nhưng hầu hết khách du lịch tại những địa điểm trên đều không biết rằng những con hổ, voi, con lười kia đều có thể bị đánh đập và tiêm thuốc mê nếu như gây hại tới con người. Hổ con mà khách du lịch chụp ảnh cùng bị buộc phải tách mẹ từ khi mới sinh. Voi con sẽ được dạy để sợ con người. Những con Lười Amazon bị bắt từ rừng rậm cũng sẽ chết sau vài tuần bị nuôi nhốt.

Một gia đình người Anh thích thú chụp ảnh với những chú voi con ở bãi biển Lucky, đảo Phuket. Sau những tấm ảnh, hầu hết khách du lịch không hề biết những gì voi con phải chịu đựng. Thái Lan có khoảng 3,800 con voi nuôi nhốt, trong đó có hơn một nửa phục vụ cho ngành du lịch.


Một con voi nhỏ biểu diễn cho khán giả tại vườn thú Sriracha Tiger, ở Chon Buri, Thái Lan.

Một địa điểm khác trên quần đảo Hawaii, tới gặp những nhân viên tại đây và đặt câu hỏi về việc đối xử công bằng với các loài động vật thì câu trả lời nhận được thường là sự lấp liếm, mập mờ như đang che giấu sự thật một cách có hệ thống.

Ngành du lịch động vật hoang dã chủ yếu phát triên nhờ “lợi dụng” tình yêu động vật của mọi người thế nhưng chính nó lại đang bị những nhà quản lý tìm cách tối đa hoá lợi nhuận thông qua việc ép các loài động vật làm việc ngay từ khi mới sinh cho tới lúc chết. Nền kinh tế nhỏ này dựa vào niềm tin của du khách thông qua việc trả tiền để xem, cưỡi, chụp ảnh, cho động vật ăn..v.v.. và nghĩ chúng cũng đang cảm thấy HẠNH PHÚC… Tháng 12 năm 2017, Instagram đã giới thiệu một số tính năng mới trong việc thông báo những hình ảnh du lịch có chứa hastag #Slothefie#Tigercubelfie sẽ hiện cảnh báo nội dung.

Ảnh trái: Một khách du lịch tạo dáng chụp ảnh với một bé con người bản địa cùng chú lười trong một khu du lịch gần Manaus, Brazil. Ở nhiều thị trấn dọc theo con sông Amazon, những con lười bị bắt làm “đạo cụ” cho ngành du lịch.

Ảnh phải: Larisa Campos, 8 tuổi đang ôm một con lười và hai con vẹt. Đây được coi là công cụ lao động chính của các gia đình ở một làng nhỏ tại Puerto Alegria, Peru. Sau khi có những cuộc giải cứu động vật hoang dã tháng 12/2017, các tổ chức phi chính phủ sẽ tiếp cận và tuyên truyền để người dân bản địa phát triển những loại hình du lịch nhân văn hơn.


Khách du lịch đang chơi đùa với một con thú ăn kiến tại Puerto Alegria, thị trấn nhỏ bên bờ sông Amazon. Tháng 12 năm ngoái, các nhà bảo vệ động vật đã giải cứu 22 cá thể động vật hoang dã tại thị trấn này. Thế nhưng họ đã không tìm thấy con thú ăn kiến nào còn sống.

Khi tìm kiếm nhiếp ảnh gia người Nga – Olga Barantseva trên Instagram, chúng ta sẽ thấy những bức ảnh cô chụp cùng động vật hoang dã rất nghệ thuật. Đây vốn là những động vật hoang dã bị nuôi nhốt ngay ngoại ô thủ đô Moscow.
Gia đình Kravtsov đã thuê nhiếp ảnh gia Barantseva chụp những bức ảnh cho các thành viên cho gia đình cùng với một chú gấu tên Stepan. Ban đầu những bức ảnh đều được hậu kỳ một cách cẩn thận nhưng số lượng người theo dõi còn vô cùng khiêm tốn. Ít ai để ý, để chụp ảnh được cùng với một chú gấu 26 tuổi, vừa cao tuổi lại mắc bệnh khó di chuyển là một công việc vô cùng khó khăn chứ chưa nói đến việc chụp với chó sói, hổ, cú, nai, bò… tất cả đều được nhốt trong những chiếc lồng sắt trước khi được thả ra để thực hiện shot hình. Công việc của những “mẫu ảnh” này chỉ là trải chuốt rồi tham gia những buổi quay phim, chụp ảnh để nhận tiền. Và như thế, mạng xã hội đã góp công không nhỏ trong quá trình mang đến một trong những ví dụ tiêu biểu về du lịch động vật, nhanh chóng thúc đẩy ngành công nghiệp kiếm tiền trên nỗi đau của động vật và mang chúng tới gần với thế giới hơn.


Bên trong một khu rừng ngoại ô Moscow, đây là Stepan, gấu nâu 26 tuổi – ngôi sao trên mạng xã hội, bên cạnh đó là mẫu ảnh mặc bộ váy thiên thần và chủ sở hữu con gấu, bà Einide Panteleenko. Các nhiếp ảnh gia tới đây phải trả $760/người để được chụp ảnh Stepan để đăng lên Instagram.

Cách đây vài năm, một bộ phim tài liệu có tên Blackfish ra mắt năm 2013 đã thu hút phản ứng của truyền thông Mỹ. Phim kể về Tilikum, một con Cá Voi Sát thủ sống tại Seaworld ở Orlando, Florida đang phải trải qua những tháng ngày tồi tệ khi bị nuôi nhốt và buộc phải biểu diễn cho các khán giả. Sau khi phát sóng, hàng trăm ngàn người xem đã ký đơn kiến nghị và gửi tới các đơn vị tài trợ, hợp tác như Southwest Airlines để cắt hợp đồng với Seaworld. Thông tin này khiến Seaworld phải điêu đứng một thời gian dài sau đó khi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán liên tục trượt dốc.

James Regan, một khán giả đang nghỉ tuần trăng mật với vợ ở Hawaii cho biết những gì phản ánh trong bộ phim khiến anh cảm thấy rất buồn. Vợ anh Katie đến từ Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh rằng, ở xứ sở sương mù, những dự án Seaworld buộc phải ngừng hoạt động và đóng cửa vĩnh viễn từ năm 1993. Tôi (tác giả) đã gặp James Regan lần đầu tại Dolphin Quest Oahu, một đơn vị cung cấp dịch vụ bơi cùng cá heo tại khách sạn và khu nghỉ dưỡng Kahala, phía đông Honolulu. Regan đã trả $225 để bơi cùng Cá heo mũi chai.

Cá heo mũi chai là một trong những nguồn kinh doanh chính tại những công viên đại dương trên toàn thế giới. Các hoạt động như bơi cùng cá heo, các buổi biểu diễn và tương tác với du khách luôn thu hút được một lượng lớn người tham gia. Sự chú ý của mọi người tới những điểm tham quan này càng lớn chứng tỏ sự thiếu quan tâm tới cuộc sống của các loài động vật tại đây càng ít đi. (Tìm hiểu thêm bài viết: Đào tạo cá heo và cá voi trở thành những sĩ quan quân đội?)

Các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ cho biết, họ không hề tán thành việc nuôi nhốt cá heo như vậy. Chúng tiến hoá qua hàng triệu năm để sống ở môi trường đại dương rộng lớn, thích nghi với cuộc sống bầy đàn, tổ chức xã hội rõ ràng chứ không phải bị giam cầm ở những khu du lịch. Ở một số điểm tham quan ở Mỹ, nhằm hạn chế việc đánh bắt cá heo trong tự nhiên, chính phủ đã ra những đạo luật bảo vệ từ năm 1972. Nhưng ở một số quốc gia khác, cá heo vẫn bị nuôi nhốt để phục vụ nhu cầu giải trí, thậm chí bị đánh bắt làm thực phẩm. Tại Trung Quốc, nơi không có bất kỳ quy định nào liên quan tới bảo vệ động vật nuôi nhốt, cá heo và nhiều sinh vật biển khác đang trở thành công cụ kinh doanh tại ít nhất 78 công viên hải dương học và 26 công viên khác đang trong quá trình xây dựng.


Cá voi Beluga đang biểu diễn tại một hồ nước ở Saratov, Nga. Không cần phải mất công tới những công viên hải dương học xa xôi. Một số show biểu diễn sẽ mang động vật tới những thành phố nhỏ khác nhau để phục vụ người dân. Chính vì vậy, chúng ta phải bắt buộc đánh đổi giữa lợi nhuận với việc những con cá voi Beluga không thể sống lâu trong điều kiện này.

Để có cơ hội hiếm có trong đời là đi xem Cá heo biển đen, người dân thị trấn đất liền Kaluga, cách Moscow 160km không cần thiết phải di chuyển xa. Các đoàn xiếc sẽ tới tận nơi ở và biểu diễn tại đó. Trong khuôn viên của một bãi đậu xe của trung tâm mua sắm Torgoviy Kvartal, một bể bơi nhân tạo được dựng lên. Các gia đình trong đó có trẻ nhỏ sẽ mua vé để ngồi xung quanh nó, giá của mỗi buổi biểu diễn khoảng $9. Mỗi lần cá heo bay lên khỏi mặt nước, chui qua chiếc vòng rồi rơi xuống bể bơi là tiếng reo hò, cổ vũ từ lũ trẻ lại vang lên sung sướng.

Nga, Indonesia là hai trong số các quốc gia còn tồn tại những show diễn hội chợ, diễn tỉnh như thế. Cá heo, cá voi Beluga sẽ được thả trong bồn xe tải và chở từ thành phố này qua thành phố khác. Đi diễn tới khi chúng chết bởi chưa có bộ luật nào quy định chế tài xử lý những hành vi xâm hại tới động vật.


Phía trong tấm lưới là một con Gấu Bắc cực đang nhảy múa tại rạp xiếc trên băng ở thành phố Kazan, Nga. Biểu diễn với Gấu Bắc Cực là công việc cực kỳ nguy hiểm. Bốn con gấu tại đây luôn bị giọ mõm bằng sợi thép và huấn luyện viên Yulia Denisenko (ảnh) luôn mang theo một thanh kim loại để điều khiển con gấu theo hiệu lệnh.


Một con gấu nâu được huấn luyện để đi bằng hai chân đang bước ra khỏi khu vực biểu diễn ở Rạp xiếc Bolshoi State tại St. Petersburg. Mặc dù chúng không bị mang ra đường để kiếm sống nhưng việc sử dụng gấu và các loài động vật hoang dã khác hoạt động giải trí vẫn phổ biến trên toàn lãnh thổ nước Nga.

Tôi đang ngồi ở bờ hồ phía đồi gần biên giới Thái Lan – Myanmar, đây là một khu nghỉ dưỡng có giá phòng khoảng $1,000/đêm.Ra khỏi hồ bơi, chúng tôi có thể bắt gặp hình ảnh những chú voi đi lang thang trong thung lũng. Ngồi cạnh tôi lúc này là Stephanie van Houten, 20 tuổi, người Hà Lan lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Tokyo, hiện đang là sinh viên Đại học Michigan. Cô sở hữu khuôn mặt ưa nhìn, và hồ sơ cá nhân ấn tượng. Stephanie hoàn toàn có thể trở thành một người nổi tiếng trên mạng xã hội. Khi lượng người theo dõi đủ lớn để thu hút những nhà tài trợ, cô có thể thoải mái đi du lịch, mua sắm quần áo mà không cần phải suy nghĩ nhiều.

Năm 2018, các thương hiệu thời trang, du lịch và công nghệ đã chi khoảng $1,6 tỷ cho những người nổi tiếng trên mạng xã hội để quảng cáo các sản phẩm của họ. Van Houten cũng từng ở những khu nghỉ dưỡng như thế này. Lần này, cô tới để quảng cáo cho một thương hiệu lớn. Với mỗi chuyến du lịch như thế này, Stephanie chỉ cần đăng bài về những chú voi cho khoảng hơn 25,000 người theo dõi trên Instagram là cô có thể thu về hàng trăm Đô la mỗi ngày. Tại Anantara, khi những cánh đồng tới mái nhà cho đến khuôn viên đều phủ một màu xanh mướt thì ban ngày luôn có khoảng 22 con voi đang bị buộc bởi những sợi thừng cỡ lớn, dài khoảng 30 mét để chúng có thể di chuyển qua lại. Tuy nhiên sắp tới, ban quản lý khu nghỉ mát này sẽ cho phép khách được giao tiếp với voi nhiều hơn, trong đó có các dịch vụ như tập yoga với voi.
Sau buổi dã ngoại với voi, Stephanie van Houten và tôi đã về phòng và chỉnh sửa những bức ảnh. Cô sẽ chọn ra một vài tấm yêu thích nhất của mình và đăng chúng vào lúc 21h30′ mỗi tối. Đây cũng là khoảng thời gian Stephanie có lượng người theo dõi online nhiều nhất. Bên trên tấm ảnh sẽ có những đoạn chú thích dài, tóm tắt về câu chuyện và tình cảm tôi kèm Hashtag #Stopelephantriding (dừng lại ngay việc cưỡi voi). Ngay lập tức số lượng người tương tác đã lên tới hơn một ngàn, trong đó có vô số các bình luận đi kèm biểu tượng cảm xúc hình trái tim.

Tôi biết khi nhu cầu của khách du lịch về trải nghiệm với động vật tăng lên thì những hoạt động như tắm bùn, té nước, chụp ảnh, cưỡi voi sẽ ngày một phổ biến. Những chú voi sẽ tiếp tục bị khai thác triệt để nhằm mục đích kinh doanh.


Tại Ban Ta Klang, Thái Lan, một người quản tượng đang dạy chú voi con tập đứng bằng hai chân trước. Thị trấn này còn có tên gọi khác là Làng Voi, một trung tâm nuôi, huấn luyện những chú voi tại đất nước Chùa Vàng. Động vật tại đây sẽ được nhân giống, đào tạo trước khi bị bán đi khắp nơi trên đất nước để bắt đầu quá trình phục vụ du lịch.


Siriyupha Chalermlam, 16 tuổi đang nằm nghỉ cùng con gái, bên cạnh là những chú voi của gia đình. Sau những khoá huấn luyện thì những con voi này sẽ được đưa ngay tới điểm du lịch hoặc phục vụ cho các sự kiện lớn ở địa phương.

Ở Ban Ta Klang, một thị trấn nhỏ ở miền đông Thái Lan, những ngôi nhà nhỏ đang mọc lên dần trên nền đất đỏ thẫm.

Nhưng đó không phải là những ấn tượng đầu tiên mà tôi nhận thấy. Mỗi gia đình tại đây thường nuôi từ một cho tới năm cá thể voi. Voi sống rải rác dưới những tấm bạt được phủ kín, mái tôn hay dưới bóng cây. Chú voi may mắn thì đang sống cùng với anh em, gia đình, kém may mắn hơn thì phải sống một mình. Nhưng điểm chung của những con voi tại đây là đều đeo xích ở mắt cá chân và những chiếc còng bằng dây thừng bó sát hai chân trước với nhau. Ban Ta Klang vốn được biết đến với tên gọi Làng Voi, nơi chuyên huấn luyện và buôn bán voi. Những khu vực xung quanh đây tự hào là nơi đưa ra thị trường phân nửa trong số 3,800 con voi nuôi nhốt tại Thái Lan. Từ trước khi ngành du lịch voi phát triển thì Ban Ta Klang được biết như là nơi tập trung của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voi thuần hoá để phục vụ việc vận chuyển hàng hoá. Tháng 11 hàng năm cũng là thời điểm mua bán voi, hội chợ giao dịch voi trở nên nhộn nhịp nhất.
Màn đêm buông xuống, tôi ngồi với Jakkina Homhual và Wanchai Sala-ngam, cả hai đều 33 tuổi, là bạn thân từ thuở nhỏ. Khoảng một nửa người dân ở Ban Ta Klang làm nghề nuôi voi. Họ đều không sở hữu chúng mà được một người chủ giàu có trả lương để nuôi và huấn luyện voi cho các hoạt động giải trí. Mức lương họ nhận được cũng rẻ rúng giống như cách đối xử với những chú voi vậy. Câu chuyện của chúng tôi dần chuyển sang huấn luyện voi.

Phajaan là một từ tiếng Thái Lan để chỉ quá trình huấn luyện tàn bạo, khắc nghiệt trong vài tuần để thuần hoá tính cách một chú voi con. Từ xa xưa, nó được sử dụng ở Thái Lan và các nước Đông Nam Á, bắt đầu bằng việc trói voi con bằng dây thừng, bị kìm kẹp trong những nhà gỗ nhỏ, bỏ đói và đánh đập liên tục bằng đinh, búa, voi cho tới khi ý thức hoang dã của chúng bị “nát vụn“. Mức độ của Phajaan cũng không rõ ràng bởi tuỳ thuộc vào người huấn luyện cũng như tính cách của mỗi cá thể voi. Tôi dần dần được khai sáng cách thuần hoá voi tại Ban Ta Klang.

Khi voi con được hai tuổi, người ta sẽ trói mẹ nó vào một cái cây và lôi voi con đi. Sau khi được tách ra, voi con sẽ bị nhốt, sử dụng một sợi dây quấn quanh cổ để dạy voi di chuyển qua trái, phải, rẽ, dừng lại. Để dạy voi ngồi, Sala-ngam nói với tôi, họ sẽ buộc hai chân trước voi, dùng Bullhook để đâm vào phía sau (Bullhook là một dụng cụ dài bằng kim loại, hai đầu có 2 ngạnh sắc giống chiếc sừng bò). Người quản tượng còn lại sẽ kéo dây đã buộc ở hai chân trước để con voi khuỵ xuống. “Voi vốn không phải là động vật hiền lành, thậm chí còn vô cùng hung dữ nên việc sử dụng Bullhook để đâm vào da, thịt voi con ngay từ khi còn nhỏ là việc phải làm” – Sala-ngam nói.

Con người khi đau sẽ thể hiện bằng việc nhăn nhó, khóc lóc, van xin nhưng động vật không hề có cách bộc lộ cảm xúc. Đa số động vật còn không có tuyến lệ để có thể khóc. Nhiều động vật săn mồi như hổ, sư tử… còn phải che giấu sự đau đớn như một bản năng bởi chúng không bao giờ bộc lộ sự yếu đuối trước kẻ thù. Vì vậy, việc con người có thể nhận ra động vật đang thể hiện sự đau đớn là điều cực kỳ khó.

Như chúng ta đã biết, chó, mèo, voi… và các động vật có vú đều có một hệ thần kinh (giải phẫu thần kinh) tương tự nhau. Chim, bò sát và các động vật lưỡng cư đều có thụ thể đau. Những năm 2000, các nhà khoa học còn công bố nhiều bằng chứng cho thấy cá còn cảm thấy đau hơn so với một đứa trẻ sơ sinh. Đứa bé bốn tuổi bị chiếc gai đâm vào da thì sẽ biểu thị bằng việc hét lên và khóc. Một chú voi bốn tuổi chỉ biết đứng dưới mưa, chân co giật lên giữa những sợi xích.

Trong những con vật đang ngày đêm phục vụ tại những rạp xiếc, ngành du lịch thì hai loài đặc biệt ám ảnh với tôi là Voi và Hổ. Chúng sống cùng một khu là Trại cá sấu và sở thú Samut Prakan, cách Bangkok 24km về phía Nam. Con voi có tên Glamay Hom, 4 tuổi bị cột bên dưới một sân vận động. Con hổ già có tên Khai Khem, 22 tuổi sống trong một Studio chụp ảnh. Cả hai đều có những dấu hiệu đau đớn, cô đơn và vô vọng tột độ. Voi con Glamay nhìn hốc hác, gầy rộc đi, phải nhấc một chiếc chân lên không trung vì sưng và lở loét. Con hổ già thì bị vi khuẩn xâm nhập vào, dẫn đến áp xe răng nhiễm trùng dẫn tới thở ra một mùi hôi thối nồng nặc. Khi tôi liên lạc với chủ cơ sở tại đây là Uthen Youngprapakorn để hỏi về hai trường hợp này thì anh ta nói rằng chúng đã chết cùng với khẳng định cơ sở của Uthen luôn chăm sóc động vật đúng cách chứ không hề ngược đãi.

Sáu tháng sau, khi Kirsten và tôi quay về. Chúng tôi đã nhờ Ryn Jirothywat, phiên dịch viên tiếng Thái ở Bangkok tới và kiểm tra Glamay Hom và Khai Khem. Cô đã nhiệt tình tới chụp ảnh và video để gửi cho chúng tôi. Chú voi 4 tuổi vẫn còn sống tuy nhiên dáng đứng đã bị ảnh hưởng do vết thương gây ra. Khai Khem thì bị xích cổ vào một chiếc móc ở sàn nhà, sống trong góc tối và quay lưng lại với chúng tôi khi Jirothywat tới chụp ảnh.

Natasha Daly – tác giả bài viết là một nhà văn, biên tập viên tại National Geographic. Kirsten Luce là một nhiếp ảnh gia tự do ở New York. Họ đã cùng nhau đi qua 6 quốc gia để viết nên bài báo này.”

Nguồn: National Geographic
Người dịch: Anbe Yeah – Thegioidongvat.Co

Leave a comment